Khắc phục mọi khó khăn khôi phục sản xuất
Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất do thời tiết diễn biến phức tạp do hạn hán, mưa bão liên tiếp xảy ra. Chỉ tính riêng cơn bão số 3 với trận lũ lịch sử (cơn bão Yagi) đã gây thiệt hại 10% giá trị kinh tế của ngành, nhất là ngành nông nghiệp.
Đến hết năm 2024, diện tích sản xuất nông nghiệp tốt của Tuyên Quang đã đạt trên 3.200 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2020 và có rất nhiều các trang trại áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn. Ảnh: Đoàn Thư |
Trong bối cảnh đó, các cấp, ngành tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp phối hợp với các địa phương khẩn trương hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân huy động tối đa các nguồn lực để khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, địa phương chú trọng vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tái sản xuất khi các điều kiện đảm bảo; chuẩn bị các giống cây trồng, vật nuôi phục vụ bà con nông dân.
Do đó, ngành nông nghiệp đã vượt qua giông bão thông qua những con số ấn tượng. Cụ thể, sản lượng chè vượt 1,8%; sản lượng thịt hơi tăng 6%; sản lượng mía vượt 21%; sản lượng sữa tươi vượt 19%; diện tích trồng rừng vượt 10,5%... với giá trị sản xuất ngành năm 2024 đạt trên 4,6%.
Ngoài các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như: gỗ rừng trồng, chè... lần đầu tiên Tuyên Quang đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu 7 sản phẩm OCOP. Đặc biệt, lần đầu tiên rừng trồng xứ Tuyên cũng chính thức được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu. Theo đánh giá, đây không chỉ là cơ hội nâng cao giá trị rừng trồng, phục vụ xuất khẩu mà còn góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến rừng trồng của cả nước.
Nhiều kỳ vọng trong năm 2025
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Để tiếp đà tăng trưởng của năm 2024 và bứt tốc mạnh mẽ vào năm 2025, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cần có tư duy đổi mới với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Nâng cao tính tự lực, tự cường, tính chủ động với tinh thần “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đồng thời, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát các quy định, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Trong năm 2025, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. |
Đối với sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay trong năm 2025 phải có 11 dự án mới dự kiến đi vào hoạt động, đóng góp khoảng 2.500 tỷ đồng.
Trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng các mô hình, liên kết các chuỗi sản xuất và phát triển các sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn...
Ông Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang cho hay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương đang được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhiều tuyến đường trọng điểm, quan trọng có quy mô lớn được triển khai đầu tư xây dựng.
Điển hình như Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); đường kết nối Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn); đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) - Ngã ba Trung Sơn (huyện Yên Sơn); dự án khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến nút giao Quốc lộ 2D nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đường trục phát triển từ TP. Tuyên Quang đi huyện Yên Sơn; đồng thời, chuẩn bị đầu tư xây dựng đường từ TP. Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm và đường từ thị trấn Sơn Dương đi Tân Trào; xây dựng đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện...
Địa phương này cũng xác định công tác thu ngân sách nhà nước là một trong 15 chỉ tiêu quan trọng của nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhờ đó đến hết năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã đạt trên 4.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hoàn thành trước một năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, cùng sự đồng lòng, quyết liệt của chính quyền địa phương, kinh tế Tuyên Quang dã gặt hái được thành công. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; công tác đối ngoại được mở rộng, phát huy hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tiếp tục được tăng cường.
Năm 2025, Tuyên Quang đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 55.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trên 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,76 triệu đồng/người/năm. Ngành nông nghiệp Tuyên Quang đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng như: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,6% so với thực hiện năm 2024; sản lượng lương thực đạt trên 340.000 tấn; trồng 10.500 ha rừng, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 1,2 triệu m3; phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới. |