Khởi động sản xuất sau kỳ nghỉ lễ
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá (Khu kinh tế Nghi Sơn) có 24 doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh xuyên Tết, với số lượng 2.435 lao động.
Ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn cùng lãnh đạo doanh nghiệp động viên, chúc Tết công nhân trước khi vào ca làm việc đầu tiên. Ảnh: Minh Hằng |
Cụ thể: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn 645 người, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 duy trì 179 người, Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 183 người, Công ty Xi măng Nghi Sơn 325 người, Công ty CP Xi măng Đại Dương 115 người, Công ty TNHH Lionas Metals 146 người, Nhà máy Ô tô VEAM 36 người, Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông 20 người, Công ty CP sữa Việt Nam - Nhà máy sữa Lam Sơn 34 người, Nhà máy gạch men cao cấp Vicenza 66 người...
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã khởi động sản xuất mang đến không khí đầy sôi động, phấn khởi. Theo thống kê của Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn, tính đến ngày 3/2, đã có 121 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với tỷ lệ lao động đi làm trở lại đạt 97,8% (68.612/70.155 người). 22 doanh nghiệp sẽ quay trở lại làm việc trước ngày 7/2 (mùng 10 Tết).
Lì xì đầu xuân để động viên, khích lệ công nhân. Ảnh: Minh Hằng |
Tại Khu Kinh tế Nghi Sơn hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng đồng loạt ra quân sản xuất như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Công ty Xi măng Nghi Sơn; Công ty Xi măng Đại Dương; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn; Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2...
Ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn - chia sẻ: “Với công đoàn Nghi Sơn, chúng tôi đã ký kết thành công thoả ước lao động tập thể với nhóm ngành giày vào tháng 8/2024 và tháng 2 là tháng thực hiện cao điểm nhất các ký kết thoả ước. Như vậy, gần 65 nghìn người lao động được hưởng lợi, tăng tiền lì xì đầu năm từ 20 nghìn lên 50 nghìn/người.
Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp cũng đã tìm kiếm được đơn hàng nên dự báo trong quý 1 và các tháng tiếp theo người lao động sẽ có công ăn việc làm đảm bảo thu nhập ổn định”.
Trong ngày đầu tiên quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp đều dành một khoảng thời gian ngắn thăm hỏi, chúc Tết và sắp xếp lại đồ dùng, máy móc tại khu vực làm việc. Sau đó, công nhân lao động tại các xưởng sản xuất đều đã nhanh chóng bắt tay vào làm việc với khí thế sôi nổi, phấn khởi.
Phấn đấu đạt mục tiêu năm 2025
Tại Công ty TNHH Công Nghiệp Intco Việt Nam, ngay sau kỳ nghỉ Lễ, Intco Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các dây chuyền sản xuất từ mùng 6 tết. Với số lượng đơn hàng lớn xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch như tăng cường ca làm việc, bổ sung nhân sự và nâng cấp dây chuyền sản xuất để đảm bảo hoạt động liên tục với công suất tối đa.
Mục tiêu trong năm 2025, Intco Việt Nam hướng đến tăng trưởng hơn 50%. Để đạt được mục tiêu, doanh nghiệp dự kiến sẽ bổ sung thêm 8 dây chuyền lắp ráp và thiết bị hỗ trợ, đồng thời tăng cường phát triển sản phẩm mới, quy trình mới và kênh mới.
Intco Việt Nam cũng lên kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất và tuyển dụng hơn 400 nhân viên trong năm 2025. Đặc biệt, Intco Việt Nam đặt trọng tâm vào việc kiểm soát chất lượng ở từng khâu sản xuất để đảm bảo các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa cũng đang tập trung mọi nguồn lực để khởi động sản xuất ngay từ đầu năm. Nhằm hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu lớn sang châu Âu và Hoa Kỳ, công ty đã triển khai kế hoạch sản xuất với trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo tiến độ giao hàng. Các dây chuyền sản xuất được vận hành từ mùng 6 tết, đồng thời tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đặt kế hoạch phát tối đa công suất theo kế hoạch của Trung tâm Điều độ Quốc gia (A0). Ảnh: Minh Hằng |
Thông tin từ Sở Công Thương Thanh Hoá cho biết, ngoài các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu nghiệp tại Thanh Hoá, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này cũng đã bắt tay ngay vào công việc để khởi động guồng máy sản xuất, kinh doanh, đồng thời tổ chức tăng ca hợp lý; động viên công nhân, lao động làm việc đạt năng suất, hiệu quả cao. Dự kiến, trong một vài ngày tới, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt quay trở lại hoạt động.
Trong năm 2024, sản xuất công nghiệp Thanh Hóa đạt được nhiều thành tích khả quan, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 19,25%; giá trị gia tăng công nghiệp tăng 20,09% so với cùng kỳ (gấp hơn 2 lần tốc độ tăng năm 2023); đóng góp tới 7,37 điểm % trong thành quả tăng trưởng GRDP của tỉnh. Năm 2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt 8 tỷ USD. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đều phải chủ động, linh hoạt các giải pháp duy trì ổn định sản xuất, đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường. |