Tiêu điểm

Tài chính ngân hàng đang thu hút 'ánh nhìn' nhà đầu tư ngoại


Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực từng bước tái cấu trúc ngành Tài chính - Ngân hàng. Các ngân hàng yếu kém, ngân hàng đang tái cơ cấu sẽ là tâm điểm của các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong thời gian tới.

Ông Yoshizawa Toshiki đến từ ngân hàng Aozora đánh giá, hoạt động M&A sẽ tăng mạnh, trong đó M&A tài chính, ngân hàng tại Việt Nam sẽ sôi động hơn. “Hiện Chính phủ Việt Nam có những chính sách như tư nhân hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, thiếu vốn, không đạt chuẩn. Đây chính là cơ hội để các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư. Các ngân hàng cỡ trung và vừa của Nhật Bản cũng đang tìm hiểu về thị trường tài chính, M&A tại Việt Nam”, ông Yoshizawa Toshiki chia sẻ.

Tâm điểm là ngân hàng yếu kém

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022, có thể chờ đợi lĩnh vực quan trọng này sẽ trở lại là trọng tâm của các giao dịch M&A vào năm 2023 và những năm sau đó. 

-7501-1669202972.jpg

Ngân hàng MB lên kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc Ocean Bank.

“Điểm tích cực là nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới lĩnh vực này, cho thấy họ có sự tự tin nhất định về thị trường và doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều CEO cũng đang xem M&A là phương thức quan trọng để họ có thể thay đổi mô hình kinh doanh hiệu quả hơn”, ông Warrick Cleine nhận định.

Một thương vụ điển hình là VPBank muốn bán 49% cổ phần FE Credit cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Đồng thời, VPBank đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện Ngân hàng cho biết, sẽ sớm thực hiện trong 2022- 2023.

Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ASL cho biết, điểm sáng của Việt Nam trong việc thu hút vốn M&A trong đó liên quan hệ thống ngân hàng giúp nhà đầu tư thuận tiện hơn trong vấn đề quản lý tài khoản, thanh toán khi cần thiết.

Không chỉ các doanh nghiệp ngoại mua cổ phần ngân hàng nội, hoạt động M&A giữa các doanh nghiệp nội dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023. Cơ sở để các chuyên gia đưa ra nhận định này là do kế hoạch chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém trong năm tới.

Dù chưa cái tên nào chính thức được công bố, song với các động thái của các ngân hàng thương mại gần đây, có thể thấy, nhiều thương vụ đã gần như được “chốt sổ”. Đơn cử như MB nhận chuyển giao bắt buộc Ocean Bank, Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc CBBank, DongABank có thể sẽ về HDBank, còn GP Bank sẽ do VPBank nhận chuyển giao bắt buộc.

Điểm chung của tất cả thương vụ ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém lần này là hình thức M&A khác hoàn toàn với giai đoạn trước. Theo đó, các ngân hàng yếu kém được các ngân hàng lớn nhận về theo mô hình công ty con (mô hình mẹ - con). Ngân hàng yếu được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do ngân hàng nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Các ngân hàng “con” được nhận chuyển giao bắt buộc này có pháp nhân độc lập với ngân hàng nhận chuyển giao, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, cách tính các chỉ số an toàn vốn, chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ… cũng độc lập giữa ngân hàng con và ngân hàng mẹ.

Sẽ bùng nổ trong năm 2023?

Nói về xu hướng M&A, ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho biết, các thương vụ M&A ngành ngân hàng Việt sẽ sôi động trong vài năm tới. Yếu tố thúc đẩy sẽ đến cả từ phía nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng thương mại trong nước. Bởi lẽ, lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam đang nổi lên thành một điểm sáng. Thu hút mọi ánh nhìn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.

Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam cũng có nhu cầu tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược nhằm nâng cao năng lực quản lý rủi ro, hiệu quả hoạt động, công nghệ và số hóa.

Giới phân tích tài chính cho rằng, xu thế chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng cao. Điều này cũng ảnh hưởng và dẫn dắt xu thế M&A của các tổ chức trên thị trường tài chính, ngân hàng.

Song theo ông Yoshizawa Toshiki, thành viên HĐQT OCB, đại diện đối tác chiến lược Nhật Bản (Aozora), để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại tham gia các thương vụ M&A lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ Việt Nam nên xem xét nới room ngoại tại các ngân hàng trong nước. Điều này vừa giúp ngân hàng Việt tăng vốn, vừa giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật VILAF nói rằng, với các thương vụ M&A trong các năm qua, chúng ta thấy đã dựa trên tinh thần win-win, đôi bên cùng có lợi. Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi đều thấy những khó khăn trong 2 năm qua, cần nhiều thời gian hơn trong mỗi thương vụ, hay trong việc rà soát, định giá. 

"Thực ra, trong 2 năm qua, trong bất kỳ thương vụ nào, chúng ta đã mất nhiều thời gian hơn ngay cả vấn đề thể chế, nguồn đầu tư, nguồn tiền, rà soát mặt pháp lý... Cần tìm hiểu trong mỗi thương vụ cho cả bên bán và bên mua, trên tinh thần cần mang lại lợi ích cho nhau", ông Ngọc Anh nói.

Huyền Anh

Tác giả: Tâm điểm là ngân hàng yếu kém
Bài viết liên quan