Tiêu điểm

10 sản phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”


Ban tổ chức đã lựa chọn được 10 ý tưởng, dự án khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” lần thứ 3 tại Cà Mau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, qua 2 năm liên tiếp tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đã lựa chọn được nhiều ý tưởng, dự án có tiềm năng và đã phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, đạt giải cao trong các cuộc khi khởi nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là lần thứ ba tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và là lần đầu tiên gắn với việc tổ chức chuỗi sự kiện khởi nghiệp Cà Mau, nhằm mục đích tuyên truyền, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và hướng tới xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, trong đó mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo.

Sau thời gian phát động, Ban tổ chức nhận được 81 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thí sinh trong và ngoài tỉnh. Qua nhiều vòng tuyển chọn, ban tổ chức đã lựa chọn được 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp lọt vào vòng bán kết. Trong đó, có 18 ý tưởng của các thí sinh tỉnh Cà Mau.

Tại vòng thi bán kết, chủ thể các dự án, ý tưởng khởi nghiệp phải thuyết trình trực tiếp trước ban giám khảo về ý tưởng, dự án của mình trong thời gian 4 phút về: nội dung dự án; tính khả thi và bền vững của dự án… Đa số thí sinh đều có sự chuẩn vị chu đáo về nội dung thuyết trình, có hình ảnh minh họa phong phú hấp dẫn và trình bày mạch lạc thu hút người nghe.

10 sản phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (thứ 2 từ trái qua) tham quan các sản phẩm tại hội thi các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP thuộc chuỗi sự kiện Cama'UP22

Sau khi hội ý, ban giám khảo đã chọn ra 10 sản phẩm có điểm trung bình cao nhất lọt vào vòng chung kết gồm: ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn Vietgap; tái hiện nghề truyền thống địa phương (phát triển du lịch cộng đồng Đất Mũi); phát triển nghề đan móc và thêu các sản phẩm thủ công từ len, sợi; ứng dụng hệ thống điện phân tạo vào mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau; ứng dụng công nghệ trong sản xuất cá sơn rim nước nước mắm; phát triển cộng đồng đan lát ngành nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cỏ năn tượng; thời trang hanmade - khơi nguồn sáng tạo; sản xuất cua cốm và các sản phẩm khác từ cua kết hợp du lịch cộng đồng tại Cà Mau; ứng dụng công nghệ vào chế biến tôm khô và tối ưu hóa sản phẩm; kinh doanh sản phẩm thủ công từ bồn bồn và cỏ năn tượng.

Sau khi khai mạc sự kiện Cama’UP22, đã diễn ra hội thi trưng bày và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương trong và ngoài tỉnh. Ban tổ chức sẽ căn cứ vào lượt chia sẻ, bình luận và lượt thích các bài dự thi trên trang Fanpage iPEC Startup Space (iSS) để làm tiêu chí chấm điểm và trao giải.

Nằm trong khuôn khổ sự kiện Cama’UP22, chiều ngày 25/10/2022, Ban chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức diễn đàn khởi nghiệp với chủ đề “Đời Startup là như thế”. Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, Phó ban chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Phan Tấn Thanh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã xác định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là mục tiêu, giải pháp để tạo nền tảng phát triển bền vững, phù hợp với đặc trưng và thế mạnh của địa phương.

Mặc dù, tỉnh Cà Mau không có những yếu tố thuận lợi như các trung tâm khởi nghiệp lớn của cả nước, song với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp nên công tác xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Cà Mau đạt được nhiều kết quả quan trọng và được triển khai rộng rãi, phát huy hiệu quả tích cực; tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân; nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp được hình thành và phát triển, một số dự án khởi nghiệp đã đạt giải cao tại cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, thế mạnh để thực hiện dự án khởi nghiệp của tỉnh là rất lớn. Vì thế, Ban tổ chức mong muốn thông qua diễn đàn khởi nghiệp này, các diễn giả, các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp hữu hiệu, thiết thực nhằm thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau vươn cao hơn nữa.

Theo các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, khi khởi nghiệp các đơn vị có thể lựa chọn các vấn đề như khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa; xây dựng chiến lược và quản trị để phát trển bền vững; hành trình khởi nghiệp và tâm thế đón nhận thất bại; những vấn đề quan trọng người khởi nghiệp cần quan tâm…

Đây là dịp để nâng cao hơn nữa nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cộng đồng các cá nhân, doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh nhà. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệp giữa các cá nhân, doanh nghiệp và chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 
Bài viết liên quan