Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng biến động, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Sự biến động tỷ giá, lãi suất, chi phí gia tăng - mỗi yếu tố đều có thể tạo ra những rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lo cung ngoại tệ giảm
Những diễn biến phức tạp gần đây sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam, mục tiêu giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đang đối mặt những khó khăn mới. Trong khi đó, thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục chứng kiến sự biến động khi tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng do dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa đủ mạnh để bù đắp nhu cầu ngoại tệ.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 8/4, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng từ 70 - 100 đồng/USD so với chốt phiên 4/4. Chỉ tính trong 8 ngày từ 1 - 8/4, tỷ giá ngân hàng đã tăng 1,09%.
Ngày 8/4, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.740 - 26.130 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 140 đồng so với ngày 4/4. BIDV điều chỉnh giá mua, bán USD tăng 160 đồng so với chốt phiên 4/4, lên mức 25.760 - 26.120 VND/USD.
Eximbank là một trong những ngân hàng có khối lượng giao dịch ngoại hối lớn nhất Việt Nam theo số liệu từ LSEG (London Stock Exchange Group). |
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù thị trường có những kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất vào nửa cuối năm, mặt bằng lãi suất tiền đồng vẫn ở mức cao, làm tăng chi phí vốn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối mặt với chi phí gia tăng do biến động tỷ giá và các điều kiện tài trợ thương mại ngày càng khắt khe hơn.
Hiện nay, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu (136,6 tỷ USD trong năm 2024) và chiếm khoảng 26% cấu phần GDP. Với mức thuế cao nếu được áp dụng, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, tác động tiêu cực đến xuất khẩu sang thị trường này (xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm đến 20- 30% hoặc hơn).
Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tại thời điểm ông Trump công bố áp thuế (ngày 2/4), Việt Nam đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường đến Mỹ và các doanh nghiệp lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không.
"Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng", bà Hằng thông tin.
Theo các chuyên gia, nếu xuất khẩu của Việt Nam giảm đột ngột, cung ngoại tệ sẽ giảm, theo đó gây áp lực lên tỷ giá. Không chỉ vậy, dòng vốn FDI có nguy cơ bị chững lại, thậm chí rút đi cũng khiến ngoại tệ này chịu áp lực giảm.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% đối với hàng Việt Nam không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu mà còn tác động tới lĩnh vực tài chính, dòng vốn FDI, thị trường bất động sản, vàng…
Với thị trường ngoại hối, khi xuất khẩu giảm, nguồn thu ngoại tệ giảm. Trong khi đó, mới 3 tháng đầu năm, nhập khẩu của Việt Nam lên tới 100 tỷ USD, nên sẽ gây áp lực đối với thị trường ngoại hối. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá tăng nhiều. Tỷ giá tăng ảnh hưởng đến lạm phát, nền kinh tế và ảnh hưởng đến túi tiền của mọi người.
Các chuyên gia phân tích, dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng ngân hàng là nhà kinh doanh buôn tiền trong khi khách hàng của họ là công ty xuất nhập khẩu, nên ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, nếu trong trường hợp xấu xảy ra thì rất khó đạt được, từ đó lợi nhuận ngân hàng sụt giảm.
Mục tiêu giảm lãi suất đối diện với thách thức
Trong bối cảnh yếu tố chịu tác động lớn nhất giai đoạn này là tỷ giá, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy vẫn tin tưởng: “Chúng ta vẫn còn các nguồn USD từ kiều hối, xuất khẩu và FDI. Từ phía Bộ Tài chính sẽ có những chính sách để thu hút nguồn USD mới ngoài thị trường của Mỹ để chúng ta cân bằng về cán cân thanh toán xuất nhập khẩu”.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lo ngại áp lực tỷ giá và lạm phát đang tăng sau chính sách mới về thuế quan của Mỹ, khiến việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều rủi ro. Bởi vì lãi suất thấp có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá và làm tăng áp lực lạm phát.
Mặc dù NHNN vẫn quyết tâm giảm lãi suất, song Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định sẽ cân nhắc hài hòa sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất. Theo đánh giá của Thống đốc, diễn biến tỷ giá là phức tạp, khó lường, thể hiện rõ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế, ngày đầu tiên tỷ giá tăng lên thêm 0,6%; nhất là khi các đối tác thương mại của Mỹ áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày, hàng giờ.
“NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất", Thống đốc NHNN cho biết.
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, dư địa chính sách tiền tệ hiện nay là rất hạn chế, thậm chí là không còn. Do đó, thay vì tiếp tục giảm lãi suất, Việt Nam cần ưu tiên ổn định vĩ mô, duy trì niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời tận dụng các công cụ tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng để các doanh nghiệp bình tĩnh và ổn định sản xuất trong bối cảnh hiện tại thì NHNN và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách chưa cắt room tín dụng trong năm nay. Trước đây, sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp dệt may chưa thể hồi phục đã bị cắt room tín dụng và việc này khiến họ không có vốn để quay lại sản xuất. Đồng thời, ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa biến động tỷ giá.
Thực tế hiện nay, một số ngân hàng đang hỗ trợ khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách cung cấp các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua các hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi ngoại tệ, giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch tài chính.
Điển hình là Eximbank. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ngân hàng triển khai chương trình ưu đãi phí chuyển tiền quốc tế "The Queen", với mức phí chỉ từ 1 USD/giao dịch khi doanh nghiệp mua ngoại tệ tại Eximbank. Đối với các doanh nghiệp có sẵn nguồn USD, mức giảm phí lên đến 50%, tối đa chỉ 200 USD/giao dịch. Ngoài ra, gói phí EFEE giúp doanh nghiệp SME giảm tới 90% chi phí thanh toán quốc tế so với biểu phí thông thường…
Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được miễn hoàn toàn phí báo có, phí thông báo và xử lý chứng từ L/C, Nhờ thu…; doanh nghiệp nhập khẩu sẽ được miễn hoàn toàn phí chuyển tiền T/T và giảm đến 70% phí phát hành L/C, phí thanh toán cùng ưu đãi giá mua bán ngoại tệ.
Thanh Hoa