Tiêu điểm

Làm rõ tiêu chí ‘sản xuất tại Việt Nam’ để minh bạch thị trường


Bộ Công Thương đề xuất hoàn thiện tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm minh bạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sáng 11/7 tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo trao đổi tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng hàng hóa lưu thông theo nguồn gốc xuất xứ, phân tích cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, đồng thời làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc minh bạch nguồn gốc hàng hóa.

Cần định danh rõ ràng “sản xuất tại Việt Nam”

Phát biểu tại hội thảo, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh đến sự cần thiết phải làm rõ, thống nhất khái niệm, tiêu chí và cách hiểu về hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để tránh gây hiểu lầm và gian lận thương mại.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo

“Trước nay, chúng ta vẫn nghe thấy cụm từ ‘hàng hóa có xuất xứ Việt Nam’, nhưng cần hiểu rõ: đây là khái niệm khác với ‘Made in Vietnam’ hay việc dán nhãn hàng Việt Nam trên sản phẩm”, bà Trịnh Thị Thu Hiền nêu rõ.

Theo bà Hiền, hiện nay Việt Nam đã có Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hóa áp dụng cho xuất khẩu và nhập khẩu, song “đối với hàng hóa lưu thông trong nước thì vẫn đang có nhiều cách hiểu khác nhau và chưa có bộ tiêu chí chính thức để xác định”.

“Có những đôi giày bán trên thị trường được dán nhãn ‘Made in Vietnam’, nhưng thực chất không hề có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nêu thực trạng.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm có C/O hợp lệ khi xuất khẩu lại không có quy định bắt buộc gắn nhãn rõ ràng khi tiêu thụ trong nước. Giấy chứng nhận xuất xứ giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết quốc tế, còn truy xuất nguồn gốc là để minh bạch quá trình từ sản xuất đến phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Hiền cho biết, nhiều nước như Thụy Sĩ, EU, Hoa Kỳ đều áp dụng nguyên tắc: nơi thực hiện công đoạn cuối cùng làm thay đổi bản chất sản phẩm là nơi xác định xuất xứ. “Không thể xem công đoạn như đánh bóng giày dép hay đóng gói đơn giản là yếu tố xác định xuất xứ Việt Nam. Chúng ta cần phân biệt đâu là ‘gia công đơn giản’, đâu là ‘gia công tạo ra giá trị bản chất’, làm căn cứ rõ ràng để ghi nhãn và công nhận hàng Việt Nam”, bà Hiền khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hà, đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chỉ rõ, hiện nay, mặc dù đã có quy định rõ về xuất xứ hàng hóa trong lĩnh vực xuất khẩu theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP, nhưng đối với hàng hóa tiêu thụ nội địa, vẫn thiếu một bộ tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam”.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu.

Theo ông Hà, bối cảnh xây dựng bộ tiêu chí này xuất phát từ thực tế nhiều vụ việc như Asanzo, sản phẩm dệt may, điện tử... gây tranh cãi về việc gắn nhãn “Made in Vietnam” không đúng bản chất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường, gây mất niềm tin người tiêu dùng, mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước do thiếu căn cứ pháp lý để xử lý hành vi gian lận xuất xứ.

Hoàn thiện khung tiêu chí hàng Việt lưu thông nội địa

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hà đã trình bày khung tiêu chí đang được Bộ Công Thương xây dựng, gồm ba nhóm nội dung chính: Thứ nhất, công đoạn sản xuất chính phải được thực hiện tại Việt Nam và có tác động làm thay đổi bản chất hoặc công dụng của hàng hóa. Thứ hai, phải có sự chuyển đổi mã số HS hàng hóa ở cấp độ 2 số, 4 số hoặc 6 số để phản ánh sự thay đổi thực chất sau quá trình gia công, chế biến. Thứ ba, hàng hóa phải đạt tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa tối thiểu 30%, tương đương với tiêu chuẩn trong các FTA hiện hành.

Ngoài ra, bộ tiêu chí cũng sẽ quy định rõ những công đoạn không đủ điều kiện để xác định xuất xứ, như: đóng gói, đánh bóng, dán nhãn đơn thuần… Đồng thời, các ngành hàng đặc thù như: dệt may, da giày, cà phê, thủy sản, linh kiện điện tử… sẽ có phụ lục tiêu chí riêng để hướng dẫn cụ thể.

Cùng với đó, ông Hà đề xuất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mã hóa và liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành, hướng tới thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất xứ hàng hóa, phục vụ đồng bộ công tác quản lý thị trường, hải quan, bảo vệ người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng Việt.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Bùi Thị Thùy Dương, cho biết, quy định hiện hành về ghi nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định 111/2021/NĐ-CP. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và lưu thông trong nước đều phải ghi nhãn với ba nội dung bắt buộc: tên hàng hóa, tên và địa chỉ tổ chức chịu trách nhiệm, xuất xứ hàng hóa

“Hiện vẫn chưa có quy định nào về tiêu chí cụ thể xác định hàng hóa được coi là ‘sản xuất tại Việt Nam’ nếu lưu thông nội địa. Điều này gây lúng túng trong thực thi, đồng thời thiếu căn cứ pháp lý để xử lý hành vi gắn nhãn sai xuất xứ”, bà Dương cho biết.

Từ thực tiễn triển khai, bà Dương cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, nhiều sản phẩm chỉ qua công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản nhưng vẫn được gắn nhãn “Made in Vietnam”, gây tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng, tạo bất bình đẳng cạnh tranh và gây khó cho cơ quan quản lý kiểm tra, xử lý vi phạm.

“Chúng tôi cũng đề xuất ứng dụng công nghệ trong quản lý và truy xuất nguồn gốc, như nhãn điện tử, mã số định danh sản phẩm, hệ thống khai báo tự động, để hỗ trợ doanh nghiệp minh bạch hơn trong ghi nhãn, đồng thời tạo công cụ giám sát hiệu quả cho cơ quan quản lý”, bà Dương nói thêm.

Bà Bùi Thị Thùy Dương, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tham luận tại hội thảo.

Bà Bùi Thị Thùy Dương, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tham luận tại hội thảo.

Báo cáo tại hội thảo về công tác quản lý thị trường, tăng cường phòng chống gian lận thương mại và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong nước, ông Trần Việt Hùng, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thị trường nội địa phát triển mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử bùng nổ, việc quản lý xuất xứ hàng hóa ngày càng quan trọng. Theo ông Hùng, đây là nền tảng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, uy tín doanh nghiệp và xây dựng thị trường minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận về xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh của hàng Việt.

“Hiện nay còn thiếu các quy định chi tiết, rõ ràng để xác định tiêu chí hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” lưu thông trong nước, gây lúng túng cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các bộ, ngành, địa phương chưa kết nối, gây khó khăn trong điều tra, giám sát”, ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Hùng, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương tham luận tại hội thảo.

Ông Trần Việt Hùng, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương tham luận tại hội thảo. 

Đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề xuất hoàn thiện tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như blockchain, QR code trong truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông, nâng cao năng lực giám sát không gian mạng và tổ chức đào tạo cho lực lượng chức năng... Đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ động, tự giác của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc minh bạch thông tin về nguồn gốc sản phẩm, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng Việt Nam.

Minh bạch xuất xứ để bảo vệ thị trường

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung đề xuất quy định về tiêu chí xác định xuất xứ và công tác quản lý hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài.

Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh: việc xác định rõ ràng, minh bạch xuất xứ hàng hóa Việt Nam không chỉ giúp chống hàng gian, hàng giả mà còn là giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất trong nước. 

“Có những sản phẩm mà cái khung, cái sườn thì nhập, còn phần mềm là của người Việt Nam. Nhưng để chứng minh được phần mềm ấy có nguồn gốc Việt Nam thì không hề dễ dàng”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng chi phí để doanh nghiệp giải trình quy trình sản xuất, chứng minh xuất xứ là rất lớn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI thảo luận tại hội thảo.

Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI thảo luận tại hội thảo.

Từ thực tiễn đó, đại diện VCCI đề xuất: “Việc gì dễ thì ta làm trước. Có thể bắt đầu bằng việc xác định rõ ràng đối với hàng sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Sau đó, tiến tới yêu cầu doanh nghiệp công khai tỷ lệ nội địa hóa. Ai công khai sai thì phải chịu trách nhiệm pháp lý”.

Tuy vậy, đại diện VCCI cũng cảnh báo không nên đưa ra quy định cứng ngay lập tức cho toàn bộ hàng hóa lưu thông trong nước vì có thể dẫn tới áp lực tuân thủ rất lớn cho doanh nghiệp, cần tính toán kỹ tính khả thi và chi phí thực hiện. “Chúng ta nên bắt đầu bằng hướng khuyến nghị, tự nguyện. Sau này nếu thấy khả thi thì mới tiến tới quy định mang tính bắt buộc. Không thể nóng vội nếu không muốn gây khó khăn cho cả hệ thống”, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến việc ghi nhãn đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, sau đó quay trở lại tiêu thụ nội địa. Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Thùy Dương, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Với hàng hóa xuất khẩu rồi quay trở lại tiêu thụ nội địa, thì các anh chị sẽ thực hiện ghi nhãn như hàng hóa sản xuất tại Việt Nam lưu thông trên thị trường Việt Nam”. 

Theo bà Dương, trước đây theo Nghị định số 43, có cho phép gắn nhãn phụ trên cơ sở nhãn gốc đã xuất khẩu. Tuy nhiên, tại Nghị định số 111 hiện hành, việc này không còn phù hợp vì dễ gây hiểu nhầm đó là hàng nhập khẩu. “Chúng tôi thấy rằng việc này gây ra gian lận thương mại, khiến người tiêu dùng hiểu rằng đó là hàng nhập khẩu chứ không phải hàng sản xuất tại Việt Nam nữa”, bà Bùi Thị Thùy Dương nhấn mạnh.

Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi thảo luận tại hội thảo.
Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi thảo luận tại hội thảo.

Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi thảo luận tại hội thảo.

Liên quan đến vấn đề hàng hóa sản xuất trong nước, bán cho các cửa hàng trong nước thì có cần ghi nhãn hay không, bà Bùi Thị Thùy Dương khẳng định: “Tất cả các hàng hóa nhập khẩu để lưu thông và hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì đều phải thực hiện nghĩa vụ ghi nhãn hàng hóa. Trách nhiệm ghi nhãn thuộc về nhà sản xuất đối với hàng sản xuất trong nước, và thuộc về nhà nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu. Nếu nhãn nước ngoài chưa phù hợp thì nhà nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo đúng quy định pháp luật Việt Nam”.

Về việc nhập vải cuộn từ nước ngoài, cắt thành mẫu nhỏ 4x6 cm để khách chọn màu, ông Nguyễn Anh Tài, Phó Trưởng ban Giám sát quản lý về Hải quan, Bộ Tài chính cho rằng: “Một số quy tắc như quy trình cắt, may, lắp ráp… cơ bản chỉ mang tính định hướng để xác định hàng hóa có thể được xem là có xuất xứ Việt Nam”. Ông Tài nhấn mạnh, không thể chỉ nhìn từ góc độ nhà sản xuất, mà cần hài hòa giữa ba yếu tố: người tiêu dùng, cơ quan quản lý và công nghệ sản xuất. “Việc đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu là điều quan trọng nhất”.

Ông Tài cũng đề xuất cần có tiêu chí rõ ràng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam lưu thông trong nước. Theo ông, có thể lựa chọn một bộ tiêu chí chuẩn như của ASEAN hoặc một số tổ chức uy tín để áp dụng: “Điều này sẽ tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa và phân biệt với hàng hóa từ các nước trong khu vực như Lào, Campuchia”. Khi xác định được tiêu chí xuất xứ Việt Nam, các chính sách liên quan như ưu đãi, hỗ trợ sản xuất hay quản lý giá cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Trưởng ban Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Hải quan, Bộ Tài chính thảo luận tại hội thảo.

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Trưởng ban Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Hải quan, Bộ Tài chính thảo luận tại hội thảo.

Qua Hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cùng các đơn vị chức năng của bộ, ngành, liên quan trong công tác đề xuất, tham mưu nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước. 

Cục Xuất nhập khẩu ghi nhận những ý kiến từ các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo chính sách trong thời gian sớm nhất để gửi lấy ý kiến công khai, rộng rãi.

Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó quy định điều kiện để một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam để phục vụ hàng hóa sản xuất để xuất khẩu. Các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa lưu thông trong nước hiện chưa có cơ sở pháp lý hoàn thiện quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Tác giả: Lê Trang