Từ quá khứ vượt khó đến hiện tại đầy triển vọng
Ngày 11/7, Báo Tiền Phong tổ chức Toạ đàm với chủ đề “30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững” nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2025).
Sự kiện quy tụ đại diện các cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tiêu biểu, chuyên gia kinh tế - đối ngoại và đại sứ quán Mỹ. Đây không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường 30 năm hai nước đi từ đối đầu sang đối tác, mà còn là diễn đàn thảo luận cởi mở về tương lai hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh mới.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nhấn mạnh: “Ba thập kỷ không chỉ là chiều dài thời gian mà còn là độ sâu của niềm tin và nỗ lực đối thoại giữa hai quốc gia từng đứng ở hai bên chiến tuyến”. Ông dẫn lại lời Đại sứ Pete Peterson, cựu phi công chiến đấu Mỹ từng bị bắt và sau này trở thành Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam: “Không có hành trình nào đáng giá hơn hành trình thứ hai, hành trình hòa giải”.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu khai mạc toạ đàm. Ảnh: Báo Tiền Phong
Từ kim ngạch song phương hơn 450 triệu USD năm 1995, đến năm 2024, tổng thương mại Việt - Mỹ đã đạt gần 150 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 136,6 tỷ USD, nhập khẩu hơn 13,1 tỷ USD, thể hiện mức thặng dư lớn nghiêng về Việt Nam. Sự phát triển thần tốc này được đánh giá không chỉ là thành tựu kinh tế mà còn phản ánh sự hội tụ lợi ích chiến lược và tin cậy chính trị giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo nhà báo Phùng Công Sưởng, bối cảnh mới đặt ra nhiều thách thức: Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, và các điều chỉnh chính sách thương mại từ phía Mỹ. Trước thực tế đó, tọa đàm hướng đến việc chia sẻ góc nhìn đa chiều, đề xuất các giải pháp thúc đẩy thương mại song phương một cách bền vững.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định quan hệ kinh tế Việt - Mỹ vẫn còn nhiều dư địa, đặc biệt trong các lĩnh vực như: Năng lượng, công nghệ bán dẫn, giáo dục, y tế, và AI. Ông nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào làn sóng cải cách lần thứ hai, mở ra cơ hội nâng cao nội lực, từ đó chủ động hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cũng khẳng định: “Doanh nghiệp Việt thích ứng rất nhanh. Họ không ngồi chờ chính sách mà chủ động đa dạng hóa thị trường, tiết giảm chi phí, tái cơ cấu để duy trì sức bật trong bối cảnh khó khăn”.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: Báo Tiền Phong
Ở lĩnh vực nông nghiệp, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhìn nhận tiềm năng giữa hai nước còn rất lớn. Trong khi Mỹ cung cấp nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, Việt Nam lại có thế mạnh ở thủy sản, trồng trọt. Ông Dương mong muốn Mỹ chia sẻ nhiều hơn, không chỉ về kỹ thuật mà cả trong việc mở cửa thị trường. Đặc biệt, ông nhấn mạnh yếu tố “nông dân” trong nông nghiệp Việt, lực lượng cần được bảo vệ trong tiến trình hội nhập.
TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tiến tới Đối tác Chiến lược toàn diện dựa trên sự tôn trọng thể chế. Việc hai bên đạt được thỏa thuận về thuế quan gần đây là minh chứng cho thiện chí và năng lực đàm phán chủ động của Việt Nam.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: Báo Tiền Phong
TS. Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ lưu ý không nên xem xung đột thuế quan là câu chuyện song phương thuần túy, mà cần đặt trong bức tranh thương mại toàn cầu. Theo ông, mức thuế 20% mà Mỹ đang xem xét áp lên một số mặt hàng Việt cần được tiếp cận thận trọng và linh hoạt. Đồng thời, ông kỳ vọng vào hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại và cảng biển, nơi Việt Nam có thể vươn lên thành một "Singapore mới".
TS. Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ. Ảnh: Báo Tiền Phong
Cùng kiến tạo chuỗi giá trị mới trong bối cảnh toàn cầu hóa
Trong phần thảo luận chuyên sâu, các diễn giả, doanh nghiệp hai nước đã đưa ra nhiều kiến nghị, kinh nghiệm và góc nhìn thực tiễn từ thực địa kinh doanh.
TS. Vũ Hoàng Linh, Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đánh giá, Việt Nam đang đứng trước “cửa sổ cơ hội chiến lược” để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự dịch chuyển của các tập đoàn như Apple, Samsung, HP cho thấy Việt Nam được xem là điểm đến thay thế hấp dẫn trong nỗ lực “tách Trung Quốc” của phương Tây.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: nếu không kiểm soát tốt gian lận xuất xứ, đặc biệt ở các mặt hàng như gỗ, thép, điện tử, Việt Nam có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng thay vì thăng hạng. TS. Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh, cần đẩy mạnh số hóa hải quan, tăng minh bạch sản xuất, và đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu hóa. “Muốn được chọn, phải tạo giá trị thực; muốn giữ được vị trí, phải đổi mới tư duy”, ông khẳng định.
TS. Vũ Hoàng Linh - Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Báo Tiền Phong
Từ góc độ kết nối doanh nghiệp, ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện USABC tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò của việc đàm phán chủ động. “Việt Nam không còn là đối tượng thụ động đàm phán, mà đã có định hướng rõ ràng, cải cách mạnh mẽ và thể hiện thiện chí hợp tác rất rõ với phía Mỹ”, ông nói. Theo ông, thỏa thuận thuế quan lần này không phải là hiệp định mang tính ràng buộc pháp lý như FTA, do đó việc duy trì cam kết phụ thuộc lớn vào kết quả thực hiện thực tế.
Ông Vũ Tú Thành - Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - Asean (USABC) tại Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ashish Joshi, Tổng giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ: “Khoảng 90% nhà cung ứng của chúng tôi là công ty Việt Nam, các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Nếu áp thuế xảy ra, sẽ ảnh hưởng rộng đến niềm tin tiêu dùng, lan sang nhiều ngành khác”. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ cam kết đầu tư dài hạn tại Việt Nam, minh chứng bằng nhà máy thứ 6 vừa khởi công, dự án lớn nhất trong 30 năm qua của tập đoàn tại Việt Nam.
Ông Ashish Joshi - Tổng giám đốc điều hành Suntory PepsiCo Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong
Ông Olivier Marquettel, Chủ tịch AES Việt Nam cũng kỳ vọng thuế quan sẽ được xử lý linh hoạt, vì nó ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư dài hạn. Hiện nay AES là nhà đầu tư Mỹ lớn trong ngành năng lượng tại Việt Nam, với các dự án điện khí hóa lỏng đang triển khai, kỳ vọng góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương.
Ông Olivier Marquette - Chủ tịch AES Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cung cấp số liệu ấn tượng: năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ sang Mỹ đạt 9,4 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng xuất khẩu ngành. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hạn chế: Giá trị gia tăng còn thấp, doanh nghiệp Việt chỉ hưởng phần nhỏ so với giá bán trên đất Mỹ. Vì vậy, cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng kho bãi và phân phối trực tiếp tại Mỹ để nâng giá trị sản phẩm.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền Phong
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa nêu bật tiềm năng lan tỏa sản vật thiên nhiên của Việt Nam như trầm hương, yến sào… tại thị trường Mỹ. Đặc biệt, ông nhìn nhận khó khăn về thuế là “áp lực tất yếu giúp doanh nghiệp trưởng thành”. Với tinh thần như hương trầm “càng khói, càng thơm”, ông nhấn mạnh cần chủ động kết nối với các câu lạc bộ trị liệu, chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, nơi nhu cầu với sản phẩm thiên nhiên đang gia tăng.
Từ ngành thủy sản, ông Nguyễn Văn Năm, Tổng giám đốc Công ty INVET cảnh báo về tác động thuế quan tới sinh kế của hàng triệu người Việt. Ông đề nghị cần có cải cách mạnh để thu hút đầu tư công nghệ cao từ Mỹ, đồng thời tiếp tục đàm phán để hàng hóa Việt vào Mỹ thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Năm, Tổng giám đốc Công ty INVET. Ảnh: Báo Tiền Phong
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Vietgo cung cấp thông tin tích cực: Hiện Vietgo đang kết nối hơn 10.000 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trong đó có hơn 1.500 đối tác Mỹ. Ông lạc quan rằng trong 2 năm tới, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam có thể vượt mốc 500 tỷ USD, với tăng trưởng mạnh ở 15 ngành hàng như gỗ, cà phê, thủy sản, IT, hàng tiêu dùng...

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Vietgo. Ảnh: Báo Tiền Phong
Về lĩnh vực truyền thông, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại cảnh báo xu thế AI thay thế công cụ tìm kiếm truyền thống của Google có thể gây khủng hoảng truy cập với báo chí toàn cầu, ảnh hưởng đến việc xây dựng hình ảnh và niềm tin chiến lược trong quan hệ Việt - Mỹ. “Truyền thông cũng là một phần của sức mạnh mềm, là trục giao thoa của chiến lược quốc gia”, ông nhận định.

Ông Phạm Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Báo Tiền Phong
Nhà báo Phùng Công Sưởng: Dù có những bước thăng trầm, nhưng chúng ta luôn coi Mỹ là đối tác chiến lược quan trọng. Thách thức cũng là cơ hội, nếu chúng ta đủ chủ động, đủ niềm tin và hành động đến cùng.