Đây là khẳng định của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khi trao đổi với phóng viên về chặng đường 30 năm quan hệ Việt - Mỹ.
Việt Nam là một điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, hành trình mà Mỹ và Việt Nam đi qua trong 30 năm thực sự đáng chú ý. Chúng ta bắt đầu với hợp tác thương mại - đầu tư ở mức khiêm tốn cách đây 30 năm, cùng với hợp tác khiêm tốn về thực thi pháp luật và các lĩnh vực khác, đến nay, chúng ta đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper
Nếu nhìn vào cách chúng ta đã phát triển trong hơn 30 năm, hiện nay, khi Việt Nam đặt ra những mục tiêu rất táo bạo, đó là đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, trở thành nền kinh tế công nghệ cao, nền kinh tế xanh, nền kinh tế kỹ thuật số. Và Mỹ là một phần trong khát vọng đó.
Cũng theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, Việt Nam là một điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đối với những người làm thương mại, những người muốn hợp tác sản xuất chung và tiềm năng chuyển giao công nghệ.
“Các bạn có 100 triệu dân, trong đó, phần lớn là những người trẻ tuổi, am hiểu công nghệ, có trình độ học vấn cao. Tôi nghĩ các công ty Mỹ, các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy không chỉ là tiềm năng mà có thể là chất lượng thực sự của môi trường kinh doanh tại đây. Tôi nghĩ tiềm năng vẫn là vô hạn và Việt Nam sẽ tiếp tục là một nơi rất hấp dẫn để các doanh nghiệp Mỹ hoạt động”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói.
Kỳ vọng Việt Nam
Tại Tọa đàm với chủ đề “30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững” diễn ra sáng 11/7, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm “30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững”.
Theo ông, hàng hóa hai nước bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh với nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều lợi thế như chi phí nhân công hợp lý, cuộc cải cách lần hai đang diễn ra sôi động. Việt Nam, với cải cách nội tại, đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Đây là cơ hội đột phá để Việt Nam tăng cường nội lực.
"Doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Họ hỏi chúng tôi 2 câu. Thứ nhất, là vị thế của Việt Nam trong khu vực. Ấn Độ - Thái Bình Dương. Rõ ràng chúng ta là vị trí chiến lược. Họ đề nghị chúng tôi nêu một số lĩnh vực tiềm năng để đầu tư. Chúng tôi đã liệt kê một số lĩnh vực, bao gồm năng lượng, giáo dục y tế, dược phẩm, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)…”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khẳng định, tiềm năng về lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước còn rất lớn. Các lĩnh vực về nông nghiệp được bổ trợ cho nhau, tạo nên sự bền vững, cân bằng trong lĩnh vực này.
Khẳng định mối quan hệ của Việt Nam - Mỹ đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ cách đây 30 năm, TS. Nghiêm Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và an ninh, Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ cũng kỳ vọng vào hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp để công nghiệp hoá nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo tồn nguồn gen bản địa và phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực cảng biển cũng là một tiềm năng lớn, với kỳ vọng Việt Nam có thể trở thành hình mẫu phát triển mới. Đồng thời khẳng định vai trò của đầu tư chất lượng cao từ Mỹ không chỉ mang lại công nghệ mà còn hỗ trợ Việt Nam kiểm soát chuỗi giá trị xuất khẩu ngay từ bên trong lãnh thổ.
“Quan hệ Việt - Mỹ hiện đang ở mức tốt đẹp nhất trong 30 năm qua và có triển vọng tiếp tục đi lên. Việc hai bên duy trì đối thoại, thiện chí và cùng nhau xử lý các thách thức sẽ mở ra cơ hội hợp tác bền vững và cân bằng trong tương lai”, TS. Nghiêm Tuấn Hùng nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, TS. Vũ Hoàng Linh - Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 405 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nhóm hàng điện tử - máy tính- linh kiện đạt 126,5 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng giá trị xuất khẩu.
Đây là minh chứng rõ ràng về việc Việt Nam bước đầu trở thành "mắt xích" trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Sự hiện diện ngày càng sâu của các tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử, chất bán dẫn và linh kiện tự động là chỉ dấu của xu hướng này.
Việt Nam hiện đang đứng trước một “cửa sổ cơ hội chiến lược” để gia nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Để nắm bắt cơ hội này, TS. Vũ Hoàng Linh, khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư vào năng lực số hóa quản lý chuỗi cung ứng, tăng tính minh bạch trong quy trình sản xuất và liên kết chặt hơn với các đối tác nước ngoài để tham gia các tầng giá trị cao hơn. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực có kỹ năng công nghệ, luật thương mại quốc tế và năng lực quản trị theo chuẩn toàn cầu.
"Để không chỉ 'được chọn' mà còn 'giữ được vị trí' trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam là then chốt. Theo đó, phải thay đổi tư duy từ 'thụ động gia công' sang 'chủ động kiến tạo giá trị'", TS. Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nhà báo Phùng Công Sưởng khẳng định, 30 năm quan hệ Việt - Mỹ không chỉ là chiều dài thời gian mà còn là độ sâu của niềm tin, nỗ lực đối thoại và hợp tác không ngừng nghỉ giữa hai quốc gia. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 300 lần so với năm 1995, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất và thị trường tiêu thụ chiến lược. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt ngày càng mạnh dạn thâm nhập thị trường Mỹ đầy tiềm năng và cạnh tranh, giúp Việt Nam càng lúc càng đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.