Nâng tầm điều hành trong cấu trúc hành chính mới
Trong cấu trúc hành chính mới, Chi cục Hải quan khu vực II mang theo mình sứ mệnh đặc biệt: vừa ổn định tổ chức trong nội bộ, vừa bảo đảm thu ngân sách và giám sát luồng hàng xuất nhập khẩu chiếm hơn 50% tổng kim ngạch cả nước. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) việc tiếp nhận toàn bộ địa bàn hành chính từ hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tái cơ cấu bộ máy quản lý chuyên ngành, trong đó có lực lượng hải quan.
Trụ sở Chi cục Hải quan khu vực II.
Chi cục Hải quan khu vực II trở thành đầu mối tiếp nhận khối lượng công việc khổng lồ khi quản lý cả vùng công nghiệp lớn như: Khu chế xuất, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp trọng điểm và cảng biển lớn: Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải, Hiệp Phước... Là khu vực sôi động nhất cả nước, nơi mỗi ngày hàng ngàn container hàng hóa ra vào qua các cửa khẩu đường bộ, đường thủy, đường sắt.
Ngay sau khi sáp nhập, bộ máy nhân sự Chi cục Hải quan khu vực II có hơn 2.000 cán bộ, viên chức với 10 Phó Chi cục trưởng phụ trách các phòng nghiệp vụ và cửa khẩu. Cùng với đó, 21 đơn vị hải quan cửa khẩu và hơn 7 phòng nghiệp vụ cũng được cơ cấu lại để quản lý hiệu quả toàn bộ luồng hàng tại TP. Hồ Chí Minh mới.
Trong bối cảnh hội nhập sâu, lượng doanh nghiệp FDI tăng nhanh và sự phát triển không ngừng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, Chi cục Hải quan Khu vực II đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức đào tạo chuyên đề, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao công nghệ và kỹ năng số hóa hồ sơ.
Điều này vừa giúp bộ máy không bị “ngợp” trước khối lượng công việc mới, vừa tạo nền tảng vững chắc để tiến tới mô hình “hải quan thông minh” mà ngành đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030. Bên cạnh công tác nội bộ, việc giữ vững sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp cũng được coi là một tiêu chí quan trọng.
Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP Hồ Chí Minh, thời gian thông quan trung bình đã được rút ngắn từ 6 giờ xuống còn chưa đầy 3 giờ đối với hàng luồng xanh, nhờ hệ thống giám sát, thông quan hàng hóa tự động và các dịch vụ điện tử hỗ trợ doanh nghiệp chủ động theo dõi hồ sơ.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực II cho biết, hiện ngành Hải quan đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
Bà Hoàng Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty Đầu Tư và Xuất Nhập Khẩu Thu Hiên (Thuhienco) cho biết, nhiều thủ tục hải quan như xác định mã loại hình, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu tại chỗ được cán bộ nghiệp vụ giải quyết nhanh chóng, giải đáp rõ ràng, điều đó giúp chúng tôi hiểu chính sách tốt hơn và giảm thiểu thời gian hàng hóa thông quan.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực II, ngành Hải quan hiện đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, yêu cầu đặt ra đối với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cán bộ lãnh đạo ngày càng cao. Sau sáp nhập, các đơn vị trực thuộc luôn duy trì đầu mối tiếp nhận phản ánh, tổ chức các buổi đối thoại định kỳ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.
"Chi cục Hải quan khu vực II phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các lãnh đạo khác, các phòng, đội, hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu và toàn thể cán bộ công chức, viên chức để phát huy sức mạnh đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đơn vị; tập trung chỉ đạo tìm các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính; đoàn kết, đồng lòng, góp phần cùng tập thể lãnh đạo Chi cục Hải quan khu vực II hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao", ông Tuấn chia sẻ.
Tập trung thu ngân sách, siết chặt kỷ cương quản lý nhà nước
Dưới góc độ tài chính, ngân sách, Chi cục Hải quan Khu vực II là một trong những đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau đại dịch và tái cơ cấu đầu tư.
Năm 2024, Hải quan TP. Hồ Chí Minh (cũ) đã thu về gần 130.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 35% tổng thu toàn ngành hải quan. Sau sáp nhập, Chi cục Hải quan khu vực II quản lý khoảng 50% hàng hóa cả nước. Khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi một mô hình điều hành chuyên nghiệp, hiện đại, thông suốt và khả năng phối hợp đa ngành và mức độ hiểu biết pháp luật toàn cầu.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2025, Chi cục Hải quan Khu vực II (cũ) đã thu 47.540 tỷ đồng, tương đương 36,6% dự toán năm và tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó năm 2024, tổng thu ngân sách ngành Hải quan TP. Hồ Chí Minh đạt trên 130.000 tỷ đồng; khu vực Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) ngành hải quan thu về gần 40.000 tỷ đồng. Từ con số trên có thể thấy Chi cục Hải quan khu vực II (mới) mang trọng trách thu khoảng 50% ngân sách toàn ngành hải quan cả nước.
Chi cục Hải quan khu vực II tích cực kiểm tra hàng hóa. Ảnh: T.H
Song song với công tác thu ngân sách, đơn vị cũng đặc biệt chú trọng nhiệm vụ thu hồi nợ thuế. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 5, đơn vị đã thu hồi hơn 33 tỷ đồng nợ thuế quá hạn, vượt gần 34% kế hoạch được giao. Công tác xác minh, truy vết doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp “ma” cũng được tăng cường nhờ liên kết cơ sở dữ liệu với Cục Thuế, Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, Hải quan Khu vực II đang xử lý hơn 1.700 tỷ đồng nợ xấu từ 4.800 doanh nghiệp không còn hoạt động thực tế, trong đó có hơn 1.000 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong công tác quản lý hải quan cũng được đẩy mạnh, không chỉ để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp mà còn nâng cao hiệu lực kiểm soát của cơ quan nhà nước. Các ứng dụng E-Manifest, một cửa quốc gia, khai báo điện tử, hệ thống thanh toán thuế tự động và giải pháp kết nối dữ liệu camera giám sát tại cảng biển, cảng cạn… đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý. Nhờ đó, tỷ lệ luồng đỏ giảm dần, luồng xanh - vàng tăng hợp lý và rủi ro gian lận được kiểm soát từ gốc.
Theo chia sẻ từ đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Ánh Dương: Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường áp dụng chuyển đổi số thông qua hệ thống Văn phòng số (HCAS) - một nền tảng xử lý hồ sơ trực tuyến tích hợp, mang lại tiện lợi đáng kể cho doanh nghiệp. Trước đây phải đến trực tiếp, giờ thì chúng tôi có thể xử lý qua mạng, tiết kiệm thời gian và giảm rủi ro thủ tục hành chính không cần thiết.
Bên cạnh đó, các tổ kiểm soát, kiểm hóa đã được phân công lại để đảm bảo trực chiến tại 100% điểm nóng như: Cảng Cát Lái, Cảng cạn ICD Trường Thọ, Cảng Cảng Container Quốc tế SP-ITC, Cái Mép - Thị Vải và các khu chế xuất lớn. Với sự chủ động này, đơn vị đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng không đạt chuẩn, lô hàng giả mạo nhãn hiệu và gian lận C/O để trốn thuế.
Chi cục Hải quan Khu vực II, sau khi tiếp nhận địa bàn Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trong mô hình chính quyền hai cấp, đã nhanh chóng hoàn thiện tổ chức, ổn định nhân sự và nâng cao năng lực kiểm soát. Với vai trò chiếm khoảng 50% thu ngân sách toàn ngành, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, tạo thuận lợi thương mại và thu hồi nợ hiệu quả. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu “Hải quan hiện đại - minh bạch - hiệu quả”, uy tín của đơn vị ngày càng được khẳng định trong mối liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.